Vấn đề phân loại Gáo trắng

Tên khoa học của loài này đã từng là chủ đề gây tranh cãi trong phân loại, bắt đầu từ thập niên 1930. Vấn đề phát sinh là do các tên khoa học đều dựa theo các mẫu vật điển hình. Năm 1785, Jean-Baptiste Lamarck miêu tả một mẫu vật dưới tên gọi Cephalanthus chinensis và thông báo rằng thu được nó từ Madagascar. Năm 1830, Achille Richard tạo ra tên gọi Anthocephalus indicus và thông báo rằng loài đến từ châu Á và rằng miêu tả của ông cũng dựa theo cùng một mẫu vật như Cephalanthus chinensis của Lamarck.[4] (Theo các quy tắc của ICN thì đúng ra Richard nên sử dụng tên gọi A. chinensis thay vì A. indicus, do ông không nên thay đổi phần tên định danh loài.)

Vấn đề là ở chỗ cho dù Richard quả thật có sử dụng cùng một mẫu vật như Lamarck hay không thì nguồn gốc địa lý được coi là khác biệt và miêu tả cũng không phù hợp; chẳng hạn trong Cephalanthus chinensis của Lamarck thì các cụm hoa mọc ở nách lá trong khi ở Anthocephalus của Richard thì chúng lại mọc ở đầu cành. Nếu các mẫu vật chỉ là một thì Anthocephalus là đồng nghĩa của Cephalanthus có ở Madagasca và không thể là tên chi cho gáo trắng ở châu Á. Nếu chúng là khác biệt (mặc cho tuyên bố của Richard rằng chúng là một) thì Anthocephalus có thể là tên chi cho gáo trắng. Dựa theo quan điểm sau, tên gọi Anthocephalus chinensis đã từng được sử dụng rộng rãi cho gáo trắng.[4]

Quan điểm hiện tại mà phần lớn các nguồn phân loại công nhận cho rằng Anthocephalus indicus của Richard hay Anthocephalus chinensis là đồng nghĩa của Cephalanthus chinensis (hiện nay đã được chuyển sang chi Breonia với danh pháp Breonia chinensis (Lam.) Capuron), và như thế thì việc sử dụng rộng rãi tên gọi Anthocephalus chinensis để chỉ gáo trắng là một sai sót. (Ý nghĩa sai sót này của tên khoa học được chỉ ra bằng cách viết A. chinensis auct., trong đó "auct." là viết tắt của cụm từ tiếng Latinh để chỉ "của [các] tác giả", nghĩa là không phải của người có thẩm quyền hiệu chỉnh.)[1][3][4]

Nếu công nhận tên khoa học của Richard cho gáo trắng là không chính xác thì tên gọi sớm nhất là Nauclea cadamba của William Roxburgh năm 1824. Năm 1984, Jean Marie Bosser tạo ra tên chi mới Neolamarckia nhằm vinh danh Lamarck để chỉ chi thực vật châu Á phù hợp với miêu tả của Richard cho Anthocephalus của ông, chuyển Nauclea cadamba thành Neolamarckia cadamba (Roxb.) Bosser.[4] Tuy nhiên, không phải tất cả các nguồn thực vật học đều chấp nhận phân tích phân loại này và tên gọi Anthocephalus vẫn còn được sử dụng để chỉ chi thực vật châu Á này.[5]